Lý do khiến mình chẳng muốn vào lại Sài Gòn – nơi mình từng gắn bó trong suốt 4 năm học đại học, hoặc đến bất kỳ một thành phố nào khác để kiếm việc như chúng bạn là bởi vì ở đó không có nơi gọi Nhà.
Quãng thời gian ở Sài Gòn, dù đã từng đổi trọ khá nhiều lần nhưng chưa từng có một nơi nào để mình có thể gọi nó là Nhà. Không phải đơn giản cứ sống ở đó thì nó sẽ là Nhà được. Định nghĩa Nhà đối với mình phức tạp hơn. Nhà là nơi có gia đình, là nơi mà toàn bộ tuổi thơ của mình gắn liền ở đó. Hoặc nói gọn hơn thì nhà là nơi có những người mình yêu thương nhất cuộc đời. Vì lẽ đó nên đối với mình những nơi ở lúc trước cũng chỉ là chỗ dừng chân tạm bợ, chỉ là phòng trọ thuê ở tạm chứ chẳng phải là Nhà.
Có lẽ cũng vì vậy nên mình không có quá nhiều tình cảm với những nơi ấy. Tuy rằng lâu lâu vẫn bất giác nhớ về khoảng thời gian sinh sống cùng lũ bạn ở đấy, nhưng chỉ là nhung nhớ thoáng qua, không hơn không kém. Còn nơi mình gọi bằng cái tên thân thương là Nhà thì lại hoàn toàn khác. Đi xa là sẽ nhớ rất nhiều, bước về thì cảm thấy ấm áp, hoan hỉ lạ thường.
Mình cứ nhớ mãi về lần đầu sống xa nhà, khi ấy mình đã thấy nhớ từng ngóc ngách trong nhà đến da diết. Nhớ đến mức mà trong kỳ nghỉ lễ đầu tiên về nhà, mình đã xách con điện thoại “cùi” đi chụp hết chỗ này đến chỗ kia trong ngôi nhà. Cứ thế, chụp hết cái này đến cái khác chỉ để khi nhớ còn có cái mà ngắm. Giờ nghĩ lại thấy cũng có chút hơi lố, nhưng mà cảm xúc lúc ấy là như vậy.
Đến tận bây giờ, khi đã quyết định về nhà hẳn mình vẫn không hề hối hận khi rời bỏ Sài Gòn phồn hoa, ồn ã kia để quay về với Phố Núi. Mặc dù công việc ở đây hạn chế rất nhiều thứ và không được như thành phố lớn nhưng mình vẫn không muốn rời xa chốn bình yên này. Mình chẳng rời muốn xa căn phòng nhỏ này một chút nào. Mình còn chẳng muốn xa rời chiếc giường êm ấm, lại càng không muốn rời xa chiếc tivi yêu dấu và quan trọng hơn tất thảy là mình không muốn phải xa gia đình.
Thời gian gần đây chuyện công việc của mình không được thuận lợi cho lắm, vì ở Kon Tum chưa phát triển lắm cái ngành mà mình muốn theo đuổi nên đành phải suy xét đến các tỉnh lân cận khác nhưng đừng quá xa nhà là được. Dù biết là ai trưởng thành rồi cũng sẽ phải xa nhà, nhưng mình vẫn chưa sẵn sàng. Thật sự mình rất ngán ngẩm cảnh đi thuê trọ, chán ngán cảnh chuyển đi chuyển lại, mệt mỏi việc phải làm quen lại từ đầu với một nơi xa lạ. Dẫu biết ai rồi cũng phải trải qua chuyện như vậy nhưng đối với mình nó vẫn thật sự rất khó.
Ước gì mình có thể kiếm được công việc thích hợp ở quê, để tấm thân già cỗi này được về nhà mỗi khi tan làm. Để còn được nằm trườn bò trên chiếc giường yêu quý, và để được trò chuyện cùng gia đình thân yêu mỗi ngày. Mong rằng lời ước nguyện của mình sẽ thành hiện thực.
Kon Tum, 16.05.22
01:31 pm
Vậy là ước nguyện của mình đã không thành hiện thực rồi!
Thời gian mình viết bài Nhà là khi mình chưa tìm được việc làm. Còn bây giờ, lúc mình đăng bài lên thì mình đã kiếm được việc rồi. Nhưng tiếc là không phải ở Kon Tum mà là Gia Lai. Điều này có nghĩa là mình sẽ lại phải xa nhà và ở trọ. Có chút không nỡ nhưng không sao, giờ mình đã suy nghĩ thông suốt rồi, đây là chuyện không sớm thì muộn thôi. Vì vậy, hiện tại tạm thời mình vẫn ổn với quyết định này. Mong rằng cuộc sống mới của mình cũng sẽ ổn…
Cảm ơn bạn đã ghé thăm và đọc bài viết Nhà. Chúc bạn cũng sẽ sớm đạt được ước nguyện và mong muốn của mình. Nhà luôn là nơi sẵn sàng đợi bạn quay về bất cứ lúc nào, giống như Samdal cảm nhận được tình yêu thương sau những bộn bề cuộc sống nơi thành thị đông đúc trong Chào Mừng Đến Samdal-ri – “nhà là nơi để về”.
Đừng quên follow Blog và Fanpage Chạm tới mây trời để nhận thông báo về bài viết mới nhất của mình nhé!
Kết nối với mình tại Fanpage Chạm tới mây trời

Xin chào, mình là Lan và Chạm tới mây trời là “đứa em cưng” được mình dồn rất nhiều tâm huyết, tình yêu thương cũng như thời gian để xây dựng nên. Blog nhỏ của mình có review phim, nhạc hay và những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Nếu bạn yêu thích, hãy ghé thăm thường xuyên nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết nối với mình trên những nền tảng mạng xã hội dưới đây:
1 thought on “Nhà”