Khi bạo lực học đường được nâng cấp lên một phiên bản mới, đó cũng là lúc mà nạn nhân càng trở nên túng quẩn và khổ sở nhiều hơn. Việc hợp thức hóa bạo lực chưa bao giờ lại dễ dàng như ở Pyramid Game – Trò Chơi Kim Tự Tháp (2024). Đây là bộ phim truyền hình Hàn Quốc được chuyển thể từ webtoon cùng tên và đã thành công thu hút sự chú ý của người xem nhờ cốt truyện mới mẻ cùng dàn cast trẻ tài năng.
Tóm tắt

Bạo lực học đường vốn là chủ đề không còn quá xa lạ vì nó đã được khai thác rất nhiều thông qua các bộ phim Hàn. Thế nhưng ở Pyramid Game, người xem lại được chứng kiến và ngỡ ngàng trước sự biến tướng man rợ của việc bắt nạt. Đó là khi bạo lực học đường được cho phép và hợp pháp hóa dưới dạng một trò chơi.

Các học sinh không bắt buộc tham gia nhưng quy định của Trò Chơi Kim Tự Tháp lại ngầm ép buộc bạn phải tham gia nếu không muốn ở hạng F. Và hạng F cũng chính là đối tượng mà ta có thể dùng từ “dưới đáy xã hội”, vì người đó sẽ không có bất kỳ phiếu bầu nào từ các bạn học sinh khác. Khi ở hạng F, học sinh sẽ bị bắt nạt, hành hạ, đánh đập và thậm chí là không được tôn trọng như một lẽ đương nhiên. Đặc biệt, khi tham gia học sinh sẽ phải chấp nhận điều khoản “không được tiết lộ thông tin về trò chơi” ra bên ngoài. Đó cũng là lý do, hạng F không thể cầu cứu hay làm gì khác ngoài việc chấp nhận và chịu đựng. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi học sinh chuyển trường Sung Su Jin (Bona) xuất hiện. Bằng sự thông minh và nhanh nhạy của mình, Su Jin đã dần nhận ra sự khác thường trong lớp học 2-5 nằm ở dãy phụ tách biệt với dãy phòng học chính.
Vì sao Pyramid Game được đánh giá cao?
So sánh với hai bộ phim HOT cùng chủ đề

Trò Chơi Kim Tự Tháp, Thứ Bậc và Chị Đại Học Đường đều là những bộ phim có nội dung về chủ đề bạo lực học đường được chú ý nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã xem cả ba nhưng riêng Thứ Bậc là bộ phim được xem là đầu tư khủng nhất về mức độ hào nhoáng của tầng lớp tài phiệt. Còn lại nội dung thì rỗng tuếch, không thu hút đối với mình. Ráng lắm cũng chỉ xem được đến tập 5 là drop ngang. Nội dung và cách triển khai câu chuyện bất hợp lý. Càng xem càng không thể hiểu nổi rốt cuộc những tình tiết đã xây dựng ở tập trước có liên hệ gì với tập sau. Dàn cast cũng không để lại ấn tượng với mình về mặt diễn xuất. Còn bộ Chị Đại Học Đường thì mình đã xem từ năm ngoái. Cũng khá ấn tượng, hình như sẽ có phần 2 vì đoạn kết mở ra một vụ việc mới. Tuy nhiên, ở phần 1 vẫn còn quá nhiều thứ dang dở, chưa đâu vào đâu cả.

Riêng Pyramid Game, đối với mình thì bộ này phải gọi là “ăn đứt” hai bộ phim kia. Phim cuốn dã man, plot twist hay. Diễn xuất của dàn cast trẻ rất tốt, khắc họa chân thực và trần trụi về vấn nạn bạo lực học đường tại Hàn Quốc. Không những thế, bộ phim còn vạch trần sự dung túng tai hại của những vị phụ huynh là “ông to bà lớn”. Thao túng người yếu thế hơn bằng quyền lực của mình. Sẵn sàng chà đạp lên người khác chỉ vì lợi ích của bản thân.

Trong Pyramid Game đã lột trần sự thật về những hành động lệch lạc của người lớn sẽ có ảnh hưởng to lớn như thế nào đến suy nghĩ và cách hành xử của trẻ con. Vì hành động của người lớn, đặc biệt là những người thân cận, trực tiếp dạy dỗ lại càng có ảnh hưởng nhiều hơn đến con trẻ. Thế nên mới xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như ở hiện tại. Và bạn có thể dễ dàng nhận ra Baek Ha Rin (Jang Da Ah) chính là ví dụ điển hình. Từ việc cô bé bị ám ảnh bởi trò chơi Kim tự tháp mà cô giáo đã tổ chức trong tiết học khi còn nhỏ, cho đến cách lấy lòng những người quyền lực để thoát khỏi cuộc sống khó khăn,…
Diễn xuất của dàn cast tân binh

Ngoài ra, có một điểm mình khá ấn tượng nữa là về diễn xuất của Bona. Sau khi xem mấy bộ phim do Bona đóng xong mình công nhận chị hợp với mấy vai kiểu “trong nóng ngoài lạnh” thật sự. Điển hình là bộ phim Tuổi Hai Lăm, Tuổi Hai Mốt và gần đây nhất là Pyramid Game. Đặc biệt, ở vai diễn khó trong Trò Chơi Kim Tự Tháp mình cảm thấy Bona hoàn thành vai diễn rất tròn trịa, không hề bị quá sức hay đuối vai. Thể hiện đúng tinh thần nữ chính mạnh mẽ, thông minh và “mưu mẹo” đúng lúc. Nhìn là thấy không phải dạng dễ bị bắt nạt rồi.

Bên cạnh đó, Ryu Da In (vai Myung Ja Eun), Kang Na Eon (vai Im Ye Rim), Jang Da Ah, Shin Seul Ki (vai Seo Do Ah),… đều để lại ấn tượng mạnh với mình nhờ kỹ năng diễn xuất. Mặc dù đều là những diễn viên tân binh nhưng họ đã hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc. Đặc biệt, nhan sắc của dàn diễn viên “hết nước chấm” luôn. Ai cũng xinh đẹp tuyệt vời hết!!
Kết
Tóm lại, bạn nên dành thời gian để thưởng thức Pyramid Game – Trò Chơi Kim Tự Tháp. Vì đây là một bộ phim đã khai thác tốt các vấn nạn trong học đường hiện nay. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng đâu. Thông qua Pyramid Game, bạn sẽ nhìn thấy được những góc khuất đáng sợ có thể đang xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Không riêng gì Hàn Quốc, bạo lực học đường có thể xuất hiện ở mọi nơi, dưới những hình thức khác nhau. Đặc biệt, bộ phim cũng là một lời cảnh tỉnh về hành động của người lớn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào đến các “búp măng non”. Chỉ một lời nói, một hành động sai lệch cũng có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm sau này.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết Review Pyramid Game – Trò Chơi Kim Tự Tháp (2024). Hy vọng bạn sẽ có những giây phút xem phim thú vị. Đừng quên follow Blog và Fanpage Chạm tới mây trời để nhận thông báo mới nhất về bài viết của mình nhé!!!
Kết nối với mình tại Fanpage Chạm tới mây trời

Xin chào, mình là Lan và Chạm tới mây trời là “đứa em cưng” được mình dồn rất nhiều tâm huyết, tình yêu thương cũng như thời gian để xây dựng nên. Blog nhỏ của mình có review phim, nhạc hay và những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Nếu bạn yêu thích, hãy ghé thăm thường xuyên nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết nối với mình trên những nền tảng mạng xã hội dưới đây:
1 thought on “Review Pyramid Game – Trò Chơi Kim Tự Tháp (2024)”